Không ít người nước ngoài chỉ biết đến một Việt Nam anh hùng trong công cuộc bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, mà chưa biết đến một nền văn hóa Việt đặc sắc. Nỗ lực của nhiều kiều bào, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đang làm thay đổi điều đó.
Quảng bá hình ảnh quê hương bằng nghệ thuật
Họa sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh đã sống gần 20 năm ở Đức nhưng những hình ảnh rất đỗi thân thương của vùng quê nghèo miền núi phía Bắc Việt Nam luôn xuất hiện trên khung vẽ của chị: những dòng sông, con suối, gương mặt trẻ thơ, bước chân trần thiếu nữ… Tranh của chị triển lãm ở rất nhiều thành phố của Đức và châu Âu, được đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao, đặc biệt là những bức tranh lụa, tranh khắc gỗ. “Tôi muốn người nước ngoài cũng sẽ yêu mến con người và đất nước Việt Nam khi họ xem tranh của tôi”, họa sĩ Đoàn Thanh nói.
Còn họa sĩ Mỹ gốc Việt Nguyễn Đại Giang tâm sự: “Những ngày đầu ở Mỹ, tôi phải chấp nhận làm công nhân. Khi quay lại nghề vào những năm 90 của thế kỷ trước, tôi vẽ về người Mỹ, về Seatle. Những năm gần đây, tôi vẽ về Việt Nam, cội nguồn của tôi. Tôi muốn đưa tinh tuý Việt Nam ra thế giới bằng hội hoạ”.

Kiều bào ở Mỹ về Việt Nam tham quan đảo Dừa, Bến tre. Ảnh: Như Ý.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Việt kiều Pháp) thì mang văn hoá Việt ra thế giới bằng âm nhạc. Những tác phẩm của ông in đậm hình bóng quê nhà và thường được đặt tên rất Việt: Thành đồng Tổ quốc, Sóng hồn... Ông quan niệm: “Bản sắc dân tộc không đơn thuần là áo dài, nón lá, mà cao hơn là cả một nền nghệ thuật truyền thống. Chúng ta phải biết tận dụng điện ảnh, hội họa, âm nhạc…để quảng bá hình ảnh đất nước mình”.
Vừa là đối tượng vừa là chủ thể
Có thể nói, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa là đối tượng vừa là chủ thể của công tác ngoại giao văn hoá. Là đối tượng vì bà con ra đi quá lâu, nhiều người sinh ra ở nước ngoài nên sợi dây liên kết với cội nguồn văn hoá dân tộc rất mỏng manh. Hơn nữa, do bận rộn mưu sinh, phải hoà nhập với cộng đồng sở tại nên bà con ít có điều kiện giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa Việt. Vì thế, việc tuyên truyền, phổ biến văn hóa truyền thống cho kiều bào là một nhiệm vụ quan trọng của chính sách ngoại giao văn hoá.

Kiều bào tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách và biện pháp phù hợp khuyến khích kiều bào đóng vai trò chủ thể thực hiện chính sách ngoại giao văn hóa.
Ánh Hồng
theo Đất Việt